“Nụ đào nở hoa” như báo hiệu mùa xuân tới. “Nụ đào nở hoa” lại báo hiệu cho xuân đang tồn tại. Rồi cũng chính “nụ đào nở hoa” một lần nữa báo hiệu mùa xuân vẫn mãi ở bên ta, dù cho dòng thời gian tuôn chảy, gào thét, cuốn phăng tất cả vào quá khứ, cái quá khứ của những kinh nghiệm buồn vui, được mất. Đó là chân lý “xuân đi hoa nở chân thường” (Xuân Đi Hoa Nở) hay “tâm hoa đua nở chân thường” (Xuân Độc Ngữ) trong mọi sự vật.
Cái thần khí “đêm nay sân trước nụ đào nở hoa” (Nụ Đào Nở Hoa) hay “tâm xuân luôn kết nụ/ chân lý một nhành mai” (Lễ Phật Đón Xuân) không khác gì cái tinh thần “đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Thiền sư Mãn Giác trong nhiều thế kỷ trước, cho chúng ta thấy “tâm xuân vẫn tại lòng ta” (Nụ Đào Nở Hoa), bởi vì hành giả nhận thức rất rõ rằng “đến đi tự thể là gì/ khác nào cánh nhạn bay đi cuối trời” (Cánh Nhạn Ngày Xuân), thể hiện rõ nét cái chân thường trong thiên hình vạn trạng vô thường. Do vậy, khi xuân lòng nở thì tất cả quan niệm về chu kỳ và tuần hoàn của diệt sinh chỉ là những ý niệm mong manh, vô thể. Chính cái tâm xuân “hoa lòng luôn kết nụ/ tâm giải thoát an vui” (Xuân Tâm Ca) ấy làm cho trăm hoa và vạn vật nở xinh đẹp bốn mùa.
“Nụ đào nở hoa” như báo hiệu mùa xuân tới. “Nụ đào nở hoa” lại báo hiệu cho xuân đang tồn tại. Rồi cũng chính “nụ đào nở hoa” một lần nữa báo hiệu mùa xuân vẫn mãi ở bên ta, dù cho dòng thời gian tuôn chảy, gào thét, cuốn phăng tất cả vào quá khứ, cái quá khứ của những kinh nghiệm buồn vui, được mất. Đó là chân lý “xuân đi hoa nở chân thường” (Xuân Đi Hoa Nở) hay “tâm hoa đua nở chân thường” (Xuân Độc Ngữ) trong mọi sự vật.
Cái thần khí “đêm nay sân trước nụ đào nở hoa” (Nụ Đào Nở Hoa) hay “tâm xuân luôn kết nụ/ chân lý một nhành mai” (Lễ Phật Đón Xuân) không khác gì cái tinh thần “đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Thiền sư Mãn Giác trong nhiều thế kỷ trước, cho chúng ta thấy “tâm xuân vẫn tại lòng ta” (Nụ Đào Nở Hoa), bởi vì hành giả nhận thức rất rõ rằng “đến đi tự thể là gì/ khác nào cánh nhạn bay đi cuối trời” (Cánh Nhạn Ngày Xuân), thể hiện rõ nét cái chân thường trong thiên hình vạn trạng vô thường. Do vậy, khi xuân lòng nở thì tất cả quan niệm về chu kỳ và tuần hoàn của diệt sinh chỉ là những ý niệm mong manh, vô thể. Chính cái tâm xuân “hoa lòng luôn kết nụ/ tâm giải thoát an vui” (Xuân Tâm Ca) ấy làm cho trăm hoa và vạn vật nở xinh đẹp bốn mùa.
Đối với hành giả, mùa xuân không còn bị hạn cuộc trong tiến trình “hạ-thu-đông rồi xuân” mà có thể xuất hiện trong những trạng thái “vô tâm” trước sự biến thiên của dòng đời: “vô tâm đối cảnh là vầng xuân xanh” (Vầng Xuân Xanh). Nói cách khác, ai sống được cái tâm “vô tâm” và cái niệm “vô niệm” thì mỗi sát-na của thời gian và mỗi đơn vị vật lý na-nô của không gian đều có mùa xuân xuất hiện. Khi tâm hành giả không giao động trước cảnh trần thì mùa xuân hiện hữu như ánh bình minh ló dạng, mang lại dưỡng chất cho sự sống của vạn vật: “vui xuân tâm chẳng động/ ánh nhật chiếu muôn phương” (Vui Xuân).
Thật vậy, cuộc hành trình thể nghiệm mùa xuân chân thật, viên thường khởi đi bằng biện chứng đôi, lấy “nhất niệm” của tỉnh giác làm tiêu chí và lấy “vô niệm” làm chính niệm để vượt lên trên mọi đối đãi “có không” lẫn quẩn. Nhất niệm tại tiền để không bị ngoại cảnh chi phối và vô niệm để vượt lên trên mọi tư duy hữu ngã nhị nguyên, hướng về tâm thể mầu nhiệm: “nhất niệm rồi vô niệm / mai hé nụ hồng khắp thân tâm!”
Khi hành giả không còn “vướng tình đời” thì mọi tình tự và hoạt dụng của chúng bị tan biến trong một “mùa xuân siêu thế” (Xuân Siêu Thế Ca). Chân lý siêu thế đó tồn tại trong các hiện thế tầm thường. Cảnh ta-bà là chất liệu để thể hiện niết-bàn, phiền não là công cụ để đạt ngộ giải thoát. Sự khai phóng và giải thoát tâm khỏi những ràng buộc của phiền não lầm than phải khởi đi bằng sự nhận chân: “Niết-bàn tại trần gian/ ta-bà nguồn sống đạo/ dại gì tìm châu báu/ ngoài phiền não trần lao” (Dạo Xuân).
Đối với đời thường, xuân là dịp để chúc tụng, ước mong, thưởng thức. Đối với hành giả, xuân là mấu chốt xác định quá trình tu tập. Hành giả phải biết sống thong dong trước những ràng buộc của lợi danh huyễn hoá, trút đi hết tất cả phiền não buồn vui, hỷ nộ trong đời: “Xuân về phiền não tiêu tan/ xuân đi mai rụng trước làn lợi danh.” (Xuân Vô Thể). Nói khác, xuân về và tết đến là dịp hành giả nỗ lực để làm “nở hoa chính giác” và “kết nụ chân tâm ” (Đón Xuân).
Ở đây, nhà thơ hành giả không thưởng thức xuân bằng triết lý mà bằng hành động. Chủ nghĩa thiền hành động “thời thời cần phất thức” (thiền sư Thần Tú) được nhà thơ vận dụng nhuần nhuyễn trong hành trình tìm ra nguồn xuân chân thật: “đêm ba mươi lễ Phật/ mùng một niệm chân kinh” (Đón Xuân).
Với tâm nguyện “mang thông điệp ngàn thương” (Bình Minh Đón Xuân Về), hành giả tự dặn lòng và rảo bước trên con đường độc lộ nhưng không cô đơn, để góp phần làm cho “đạo Phật rực sáng thiêng liêng/ bao dung chan chứa muôn miền” (Xuân Kỳ Diệu). Đó là con đường nhập thế của các bậc Bồ-tát, nối liền nhịp cầu tương thân, hoà quang đồng trần giữa chốn ngũ trược lúc tỉnh lúc say, nhằm chấp cánh giải thoát cho đời thăng hoa: “Xuân về giữa tỉnh say/ sỏi đá nở hoa mai/ cùng chung niềm chia xẻ/ đạo đời chấp cánh bay.” (Xuân Tỉnh Say)
Cái đến và cái đi của mùa xuân là cái dịp để xua tan các hoạt dụng của tâm lý âm tính và đón chào sự an lạc và giải thoát, mà dòng đời thầm lặng trao tặng cho hành giả. Với tấm lòng nặng trĩu về cố hương, nhà thơ phát nguyện gánh vác hết những mảnh khổ đau về bên mình và nhường lại cho đời sự an lạc và giải thoát “khổ đau về hết bên mình/ tịnh thanh, giải thoát phồn vinh tặng đời.” (Lối Rẽ Vào Xuân).
Mùa xuân thời gian và không gian có đến đi trong âm thầm lặng lẽ. Mùa xuân lòng vẫn “kỳ diệu vô biên” (Xuân Kỳ Diệu) với chân lý bất di bất bất dịch “núi sông vẫn sống, Ta-bà vẫn vui” (Điểm Tô Ngày Tết). Nói như vậy không có nghĩa là nhà thơ không còn thái độ suy tư hay trầm tư, lặng khô như cây như đá. Thi sĩ không chỉ trầm tư thông thường như buồng phổi cần không khí để hít thở, mà còn trầm tư theo một cách thế rất đặc biệt về những cái rất thường tình nhưng mầu nhiệm trong đời. Cái trầm tư của nhà thơ không phải về cuộc đời, về sự nghiệp, về thành bại, về ta và người. Trầm tư về “thẩm mỹ thiền” trong hiện thể, để thưởng thức nét đẹp trần gian thanh tịnh như nguyên sơ trong giây phút hiện tại và ngay đây: “từ trong hai chữ Nhất-như/bao mùa xuân đẹp phải từ hôm nay” (Mai Vàng Xứ Úc)
Hạnh phúc không phải là cái gì xa xôi, dịu vợi. Hạnh phúc không cần tìm kiếm, vì chúng hiện hữu trong trạng thái vô niệm của ta về các ý niệm và sự vật. Cái vô niệm đó mở cửa đưa chúng ta vào thế giới vô sanh hay bất sinh bất diệt, khi tâm của ta thanh tịnh: “mừng xuân thanh tịnh dạt dào/ hoa khai tâm thể đường vào bất sanh” (Xuân Thường Trụ Ca). Trạng thái đó không cần tìm kiếm. Càng tìm càng xa. Càng kiếm càng lẫn lộn. Chỉ cần trực nghiệm để “đón nhận nguồn tâm pháp” (Xuân Tuỳ Duyên) đó, bằng một thái độ nhận thức không còn bóng dáng của tư duy hữu ngã, chấp nê. Được vậy thì tình người mãi đẹp, cảnh đời mãi thơm hương, hoa vẫn nở, chim vẫn hót, suối vẫn reo, mây vẫn bay, gió vẫn thổi v.v... trong cái chân không bất sinh bất diệt:
Trầm luân hoa vẫn nở
Tình người đẹp mênh mông
Hương đời xanh rực rỡ
Đượm toàn dáng chân không”
(Trầm Luân Hoa vẫn Nở).
Mong sao, mỗi chúng ta khi đối diện với cảnh đẹp “nụ đào nở hoa” trong một mùa xuân miên viễn, không bị thời gian và không gian thế tục chi phối, làm khơi dậy một sức sống tiềm năng đã bị lãng quên trong chuỗi dài của sinh tử chập chùng, để trực chỉ và trực nhận cái như thị, như thật trong mỗi sự vật và trong tâm mình. Lúc ấy, thiên nhiên hoà điệu trong ta, vang lên một bản nhạc thiền ca, chúc tụng một mùa xuân chân thật của tuệ giác bừng khai:
Đẹp thay mỗi chúng ta
Xuân lòng sống chân thật…
Đẹp thay khúc thiền ca
Vang lời xuân chư Phật
(Xuân Thiền Ca)
Hãy đón nhận “nụ đào nở hoa” của Tỳ kheo Thiện Hữu như cách dạo Xuân vui Tết hiện tiền, bởi vì, nụ đào đó không phải của hôm qua hay của ngày mai mà của hôm nay, bây giờ và tại đây!!
Thích Nhật Từ